Thứ Ba, 27 tháng 5, 2014

MIỀN NHỚ”- TẬP THƠ THẤM ĐẪM CHỮ TÌNH CỦA MINH ĐOÀN- “TRAI XỨ QUẢNG”


 “MIỀN NHỚ”- TẬP THƠ THẤM ĐẪM CHỮ TÌNH  
             CỦA MINH ĐOÀN-  “TRAI  XỨ  QUẢNG”


Tôi nâng niu  trên tay “Miền nhớ” – bản thảo tập thơ  thấm đẫm chữ  tình của Minh Đoàn -  một blogger có cái nickname  khá độc đáo “Trai Xứ Quảng”.
Đọc thơ anh, ta như chạm vào một miền thiêng liêng ngập tràn thương nhớ. Qua những nét chấm phá, Quảng Ngãi hiện lên trong thơ anh rất có hồn : Đây dòng sông Vệ “ đêm này khắc khoải ngóng chờ ngừời thân”, kia “Nắng vàng tươi soi bóng nước sông Trà”. Và đây đó, cảnh vật mộng mơ yên bình như níu lòng du khách:
“ Gió căng buồm hòa tiếng hát  vang xa
Con đò nhẹ xuôi chèo chào ngày mới”
Nhưng thiên nhiên khắc nghiệt đã tàn phá quê anh, đem bao đau thương tang tóc cho những  người dân hiền lành Quảng Ngãi. Vượt lên tất cả, Quảng Ngãi vươn mình đứng dậy với tư thế của người chiến thắng:
“ Nhịp đời quen  giờ trở về huyên náo
Bỗng hồi sinh sau trận bão kinh hoàng
Con tàu dài còi cất tiếng âm vang
Chở nhịp sống rỡ ràng về phía trước”
(Quảng Ngãi- Niềm tin và cuộc  sống)
Những lúc xa quê, “Trai Xứ Quảng” luôn khắc khoải nỗi nhớ thương đau đáu. Anh “men về thuở đã qua” cùng bạn bè tắm mát trên “ bến Tam Thương thơ mộng”, anh “thương miền quê ngày xưa đời lam lũ/mãi nhọc nhằn với con sóng Trà Giang”( Quảng Ngãi trong trái tim con).Anh nhớ không nguôi “ một mái trường”, nhớ “ đường quê ngan ngát mùi rơm rạ”/ ngọt lịm hồn quê vị mía đường”…( Nỗi nhớ quê nhà). Tôi đã từng đọc ở đâu đó : Tình yêu Tổ Quốc bắt nguồn từ tình yêu thiên nhiên, gia đình, quên hương, làng xóm…Trong niềm thương nhớ bao la ấy, “Trai Xứ Quảng” giành những dòng thiết tha thành kính nhất dâng lên hai Đấng sinh thành- dưỡng dục của mình.
Anh thương nhớ khôn nguôi người cha bạc mệnh sớm lìa xa dương thế:
Bạn con say giấc mơ nồng
Còn con thao thức tím lòng nhớ cha”
Nỗi niềm đau đáu ấy thấm đẫm không gian, cảnh vật:
“…Vườn cây héo hắt…
khóm hoa bạc màu…
Cá lờ đờ giữa ao sâu
Bờ tre lẻ bóng u sầu nhớ mong…
(Thương nhớ cha).
Chỉ những ai sớm mồ côi cha mới hiểu thấu nỗi đau vô cùng tận của “Trai Xứ Quảng”. Nỗi buồn ấy thấm đẫm vào thiên nhiên: “Người buồn cảnh có vui đâu bao giờ”( Truyện Kiều - Nguyễn Du).
Khác với những người làm thơ viết về mẹ thường kể lể công lao nuôi nấng, suốt đời tằn tiện hi sinh lo cơm ăn áo mặc cho con, anh khái quát về  hình tượng người mẹ đã thắp sáng, nuôi nấng tâm hồn anh  bằng những hình ảnh so sánh chọn lọc thật đắt: mẹ là “gió lộng” để  “nhẹ nâng đôi cánh cho diều con bay”; mẹ là “nắng ấm ban mai”để “sưởi đời con thắp tương lai tràn trề”; mẹ là “thảm mượt bờ đê” để “con nằm ngon giấc trưa hè mẹ ơi !”.
Anh cảm nhận về tình yêu của mẹ giành cho con thật là sâu sắc qua lời ru dịu dàng muôn thuở:
“Ngọt ngào tiếng vọng à ơi!
Mẹ ru con ngủ từ lời trái tim
Mẹ yêu là một con thuyền
Chở con đi khắp mọi miền biển khơi…”
(Mẹ là…)
Tình phụ tử, mẫu tử thiêng liêng ấy đã ngấm sâu trong tâm hồn "Trai Xứ Quảng ’’, để nuôi dưỡng anh trở thành một con người giàu tình cảm, sống vị tha, nhân hậu, yêu thương  mọi người.
Anh quý mến “cô gái Quảng” mộc mạc chân chất “dịu hiền ánh mắt, nguyên sơ làn môi, ngọt ngào giọng nói, trong veo tiếng cười”. Anh trân trọng người bạn gái thuở ấu thơ vẫn thường xưng hô “cậu và tớ” với mình.Người bạn ấy “dửng dưng” mỗi lần thấy anh khóc, không “chìa tay nâng” khi anh vấp ngã, đến lúc anh ốm cũng “chẳng thấy đâu” và đã từng làm cho  anh… ghét để bây giờ anh mới hiểu rõ người ấy chỉ muốn mình “chóng trở thành người lớn”. Tình bạn chân chính thấu hiểu nhau như thế nâng người ta lớn lên…
«  Trai Xứ Quảng ’’luôn cảm thông với những  cảnh ngộ éo le bất hạnh anh gặp trên đường đời. Anh xót thương hai bé em  khi biết ngày mai bố mẹ các em đưa nhau ra tòa, bé chị ở với cha, bé em ở với mẹ. Điệp ngữ “Còn đâu” cứ lặp đi lặp lại như cứa vào lòng hai bé thơ nỗi đau nhức nhối khi những tình cảm gia đình thân thương trìu mến chỉ còn là hoài niệm:
“Còn đâu…
Mỗi sáng tinh sương
Đôi chim sáo nhỏ đến trường cùng me?
Còn đâu…
Những buổi trưa hè
Chúng mình đuổi bướm, bắt ve chung cùng?
Còn đâu…
Những tối mùa đông
Nóng ran hơi mẹ, ấm nồng tình cha?”
Các câu hỏi tu từ liên tiếp dồn dập nhói vào lòng người đọc niềm cảm thương  những đứa trẻ ngây thơ sớm tan đàn xẻ nghé.
          Đoạn kết bài thơ như vỡ òa cảm xúc xót xa cùng cực:
“… Ngủ đi em!
Ngủ cho say!
Em mơ cùng chị…
Ngày… mai… đừng… về…”( Lời ru li biệt)
Dấu chấm lửng được sử dụng thật đắc địa như những tiếng nấc nghẹn ngào của chị. Bé em còn ngây thơ non nớt lắm, nó vẫn ngủ say trong lời ru rối bời của chị.
Anh xót thương những em bé bị cha mẹ bỏ rơi  bởi sự hiện diện của các em trên cõi đời này không phải là kết quả của tình yêu(Khát nửa lời ru).
Anh tâm tình, khuyên nhủ một cô gái lỡ lầm:
“Về đi em, thôi gác lại cuộc chơi
Xóa ảo vọng của một thời nông nổi
Về đi em với hương đồng gió nội
Mảnh đất nghèo sớm tối vẫn chờ mong
Nơi mẹ cha còm cõi tấm lưng còng
Nơi em dại vẫn ngày đêm mong mỏi”
(Về đi em)
Trai Xứ Quảng hóa thân vào quả phụ trẻ nhớ thương chồng da  diết:
“Noel này nhà mình sao buồn vắng
Đợi mỏi mòn mà anh chẳng về thăm
Con không ăn, em cũng chỉ biết nằm
Gạt nước mắt khóc thầm người năm cũ…”
                                                                                (Noel nhớ anh!)
Trong mạch nguồn mênh mang “Miền nhớ”, Trai Xứ Quảng giành nhiều trang viết về tình yêu đôi lứa với rất nhiều cung bậc tình cảm khác nhau. Em là hiện thân của Nàng Thơ anh hằng say đắm. Nàng Thơ ấy khi thì mộng mơ, trong trẻo như tia nắng bình minh:
“Biết nhau từ ấy đến giờ
Em bay vào đậu trang thơ tôi rồi
Ơ kìa! Cô bé yêu ơi!
Em cho tôi cả khoảng trời bình yên!”
                                                                            (Khoảng trời bình yên)
Lúc thì dịu dàng, thầm kín, ấp e:
“Vì em là con gái
Nên đơn giản thế thôi
Yêu anh từ ánh mắt
Không dám yêu bằng lời”
(Vì em là con gái)
Lúc viên mãn, lạc quan phơi phới:
“Vầng trăng khuyết lại căng tròn dáng vóc
Mở khuôn môi, trăng thắp lại nụ cười”
(Em-Vầng trăng)
Yêu và được yêu - đó là hạnh phúc lớn lao mà tạo hóa ban tặng cho con người. Nhà thơ Tố Hữu từng viết: “Có gì đẹp trên đời hơn thế/Người yêu người sống để yêu nhau”.
Trai Xứ Quảng diễn tả niềm hạnh phúc vô bờ của đôi lứa bằng những hình ảnh so sánh giản dị, gần gũi, thân thương:
“Anh là cánh én mỏng
Em là đóa hoa tươi
Én cùng hoa hội tụ
Dâng mùa xuân cho đời”
(Mảnh ghép)
Nhưng tình yêu trong thơ anh không phải lúc nào cũng xuôi chèo mát mái  như thế. Còn có những giận hờn vu vơ:
“Giận anh em chẳng nói cười
Vì thơ anh viết tặng người đâu đâu”
Có những nhớ nhung khắc khoải như “gió thét , mưa gào trong tim”( Khoảng lặng đợi chờ).
Có những ghen tuông vô cớ. Khi em ghen với « cái gối anh ôm, cái chăn anh đắp, cái màn anh che” thì còn có thể hiểu được em yêu anh biết nhường nào và ghen tuông làm cho tình yêu thêm thi vị. Nhưng khi :
“Em ghen cả tiếng vo ve
Ngại tiếng muỗi hát anh nghe xiêu lòng
Em ghen, ghen cả dòng sông
Sợ anh ngâm mát mãi không lên bờ…”
(Ghen)
Thì anh - dẫu yêu em đến ấy - cũng cảm thấy gò bó, mất tự do.
Có khi là khoảng cách của lòng người không thể hòa hợp nhau:
“ Trăng xinh cần bến nươc
Gió lộng cần trời cao
Em - Anh
Tại sao
Vẫn không gần nhau được”
(Khoảng cách)
Có lúc là tan mộng:
“ Cạn mơ… giữa chốn hư không
Tìm về đời thực chất chồng buồn đau
Cạn lời… mà chẳng trọn câu
Tình thơ bỏ dở, ôm sầu biệt li…”
                                                          (Cạn)
Có khi là dứt day tiếc nuối:
“ Câu thơ yêu chẳng khi nào bỏ lỡ
Khi bể thương dâng lớp sóng loang bờ…”
(Nói với em)
          Như nhiều người làm thơ lãng mạn khác, Trai Xứ Quảng say mê thiên nhiên tươi đẹp, đặc biệt là say mê vầng trăng. Hình ảnh trăng ngập tràn, thấm đẫm trong tập thơ “Miền nhớ”. Đó là “Vầng trăng” anh âu yếm gọi là “em” với danh từ “ Trăng” viết hoa. Anh “Tìm Trăng” ở chốn mênh mông huyền ảo:
                              “Có ai nhặt được Vầng Trăng
                               Cho ta  mượn lại Cung Hằng một đêm
                                Lấy Trăng làm chiếc gối mềm
                                 Ôm Trăng, Ta ngủ đi tìm mơ hoa”
                  Anh thủ thỉ “cùng Trăng”:
                                         “ Trăng đi về phía cuối trời
                                     Có còn nhớ tới một người đợi Trăng?”
                   “Vắng Trăng” anh thao thức “đêm dài chờ mong”:
                                           “ Tàn vui Trăng có về không?
                                       Ta dang mở rộng cửa lòng đón em”
Anh khao khát đi tìm “một thoángTrăng”để “ tình tự”. Anh thương “Em- Vầng Trăng khuyết” với một cái nhìn nâng niu, trân trọng, tin tưởng:
                                              “ Vầng Trăng khuyết lại căng tròn dáng vóc
                                                Mở khuôn môi Trăng thắp lại nụ cười”
“Trai Xứ Quảng”còn rất nhiều bài thơ hay viết về Trăng: “ Nhặt Trăng”, “Trách Trăng”, “Lục bát Trăng”, “ Một thoáng Trăng”,“Trăng cuối tháng”, “Trăng của riêng tôi”… Hiếm thấy ai si mê trăng đến thế! Trăng hóa thân thành người tình trong mộng để anh gửi gắm bao niềm thương nôĩ nhớ, bao tâm tình thầm kín, bao khát vọng lớn lao.Trai Xứ Quảng ngắm trăng với đôi mắt đắm đuối của người tình si, với đam mê khám phá của người họa sĩ:
“Trăng cuối tháng chỉ gầy đi một tí
Sắc vàng mơ rồi sắc lại mờ loang
Bầu ngực căng chỉ một chút hao mòn
Nghiêng dáng ngọc trở mình cong nửa mảnh”
(Trăng cuối tháng)
Dè dặt và táo bạo, anh hỏi Hàn Mạc Tử:
“Cụ từng rao bán vầng trăng
Tôi muốn mua trọn cung Hằng Cụ ơi !
Cụ và tôi… sống khác thời
Trăng của Cụ…
Hằng của tôi…
Có cùng?”
                                        (Hỏi Cụ Hàn)
Người thơ lãng mạn đa tình ấy luôn mở rộng tâm hồn bay lên giao hòa cùng thiên nhiên vũ trụ nhưng không quên dành những dòng tình cảm yêu thương chan chứa cho những người thân yêu nhất bên mình. Anh thương người vợ hiền thảo:
“Chẳng quản đường xa hay nắng, mưa, dông, bão
Chạy dọc thời gian, gánh gạo nuôi mình”
Đọc đến đây, bất giác tôi liên tưởng đến  hình ảnh người vợ tần tảo trong bài  thơ  “ Thương vợ”của  Tú Xương:
                         “Quanh năm buôn bán ở mom sông
                       Nuôi đủ năm con với một chồng
                       Lặn lội thân cò khi quãng vắng
Eo sèo mặt nước buổi đò đông
          “Trai Xứ Quảng” yêu con theo cách riêng của mình. Anh  gửi gắm bao chiêm nghiệm của tuổi trẻ để  tâm tình với con trai:
“Lê bước chân gối mỏi cuộc hành trình
Bố hốt hoảng nhận ra điều sắp muộn
Bởi cái việc giản đơn nhờ con
Con không muốn…
Bố chẳng biết làm sao…
Khi sức lực đã tàn
Bố ước gì quay ngược được thời gian…”
Lời răn dạy chân tình thấm thía có sức cảm hóa sâu sắc hơn bất kỳ lời giáo huấn cao giọng nào.
Tập thơ “Miền nhớ” được Trai Xứ Quảng viết ra dưới nhiều hình thức: thơ lục bát, thơ tứ tuyệt, thơ  ngũ ngôn, thơ tự do… Chưa có những câu chữ  mới lạ, những “nhãn tự” lấp lánh, nhưng  “Miền nhớ” vẫn có sức cuốn hút độc giả bởi cảm xúc chân tình, bởi các ẩn dụ thâm trầm kín đáo, cách sử dụng dấu biểu cảm và đặc biệt là cách ngắt nhịp sáng tạo làm nên chất nhạc du dương trầm bổng trong thơ. Có lẽ chính vì thế, thơ anh dễ đi vào lòng đông  đảo độc giả thuộc mọi lứa  tuổi, giai tầng trong cộng  đồng  cư  dân mạng (trước kia là blog yahoo.com, bây giờ là blog spot.com, face book…). Chính vì tìm thấy “thi trung hữu nhạc”,  các nhạc sĩ Nhất Phương, Hải Anh đã đồng cảm phổ  nhạc cho thơ anh, chắp cánh cho thơ anh bay cao, bay xa… (Mẹ và con, Tình đã qua, Thôi thì trả lại cho em, Dốc cạn bầu yêu…) .
Xét về mặt lựa chọn hình thức thể hiện nội dung thơ, tôi  thích những bài thơ, những câu thơ sử dụng toàn vần bằng của Trai Xứ Quảng. Lựa chọn này không mới. Từ thời Thơ Mới, Bích Khê- người quê Xứ Quảng – đã rất nổi tiếng với những bài thơ viết toàn vần bằng:
Ô! Hay buồn vương cây ngô đồng
Vàng rơi! Vàng rơi ! Thu mênh mông…
Chế Lan Viên đã từng nhận xét : “ Nếu Nguyễn Bính là một miền đồng bằng thân thuộc thì Bích Khê là một đỉnh núi lạ…”
 Với Trai Xứ Quảng, thơ toàn vần bằng giúp anh thể hiện nỗi buồn mênh mang, dứt day, dai  dẳng  khi chia tay mối tình đầu:
“Ngày nào còn yêu nhau
Giờ sao vương sầu đau
Lời yêu chưa thành câu…
Còn gì ta trao nhau
Thời gian trôi qua mau
Quên rồi. Ta quên nhau
(Còn gì đâu?)
Hay một trạng thái mơ màng, một ảo ảnh nửa hư nửa thực:
“Anh lâng lâng
trong cơn say
đêm nay…
Hồn chơi vơi
Anh lang thang
đi tìm
Câu thơ hay
Hay tìm em
Trong mê say?
Nơi mơ này…”
(Anh say)
Dẫu chưa phải là độc đáo, sáng tạo nhưng sự tìm tòi, lưạ chọn cho mỗi bài thơ mình một hình thức thích hợp để chuyển tải một thông điệp đến độc giả của “Trai Xứ Quảng” đã là một cố gắng vô cùng đáng quý. Nếu có điều mong muốn hơn ở tập thơ này, tôi mong anh tiết chế cảm xúc, rút gọn câu từ để chưng cất thơ cô đọng, xúc tích hơn.
Được biết Minh Đoàn - Trai Xứ Quảng  là một Nhà giáo có năng khiếu về văn chương và biết làm thơ từ nhỏ. Mấy năm gần đây, anh tham gia câu lạc bộ thơ Trà Giang  , các Diễn đàn Văn thơ mạng và có thơ trong nhiều Tuyển tập in chung. “ Miền nhớ” là tập thơ in riêng đầu tay của Minh Đoàn. Hy vọng và tin tưởng thơ Minh Đoàn – Trai Xứ Quảng ngày càng chắp cánh bay cao, bay xa…
                           
                                                                                                                                                                                    Bùi Thị Sơn


Thứ Hai, 30 tháng 9, 2013

ANH SAY...


( Thơ vần bằng )


Anh lâng lâng 

trong cơn say 

đêm nay...


Hồn chơi vơi

Anh lang thang

đi tìm...

Câu thơ hay


Hay tìm em

Trong mê say?

Nơi mơ này

đêm nay....


Anh tìm chi

Tìm ai 

Trong cơn say

Hay anh cần

Bờ vai...

Cho mình

trong cô đơn

đêm dài ...


Anh cô đơn

Ai hay ...

Như tình ca dài

Buồn đau

Chưa phai...


Anh say men 

Hay say tình

Từ ai...

Không hề phai

Anh ơi !

Em cần anh

Cần tình yêu 

Trong anh

Trong tình say...


( 8 giờ 56 phút ngày 8/06/2013 )

Hình ảnh: ANH SAY...

( Thơ vần bằng )


Anh lâng lâng 
trong cơn say 
đêm nay...

Hồn chơi vơi
Anh lang thang
đi tìm...
Câu thơ hay

Hay tìm em
Trong mê say?
Nơi mơ này
đêm nay....

Anh tìm chi
Tìm ai 
Trong cơn say
Hay anh cần
Bờ vai...
Cho mình
trong cô đơn
đêm dài ...

Anh cô đơn
Ai hay ...
Như tình ca dài
Buồn đau
Chưa phai...

Anh say men 
Hay say tình
Từ ai...
Không hề phai
Anh ơi !
Em cần anh
Cần tình yêu 
Trong anh 
Trong tình say...

( 8 giờ 56 phút ngày 8/06/2013 )

XIN ĐỪNG LÀM PHIẾN ĐÁ



Xin ai đừng là phiến đá 


Mặc cho nước ngập thân mình 


Thân quen hóa thành xa lạ 


Im lìm giấu kín tình riêng .




Xin ai đừng là phiến đá 


Vô tri trước mọi phong trần


Mặc đời - nắng mưa giông tố 


Lạnh lùng trước kiếp phù vân 




Xin ai đừng là phiến đá 


Vô tâm trước một cuộc tình 


Mặc người thật thà, dối trá


Thả lòng vào chốn mông mênh  ,




Mai đây có làm kiếp khác 


Xin ai chớ quá vô tình


Hãy là mảnh trầm trong dó


Dâng đời một chút hương trinh !


MÊNH MÔNG...



Mây mênh mang 

Nước mênh mông


Một nửa dưới đât


Một nửa trên không


Hai nửa gặp lại

 
Thành biển thành sông



Sông mênh mông 


Biển mênh mông 


Hai tên xa lạ 


Chảy chung một dòng 



Tình mênh mông 


Đời mênh mông 


Tin nhau cứ đợi


Yêu nhau cứ mong



Chúng mình cách mặt 


Nhưng không xa lòng!


Như hai con suối


Hòa thành dòng sông 



Mình cứ như thế 


Em ơi hiểu không !

NỢ NHAU



Em nợ tôi… 

Chút nắng 

Phả đều trong ngày Đông

Tôi nợ em … lớp sóng 

Lao xao gợn trong lòng .

* *
*

Em nợ tôi…

Đêm trắng

Tỏ bao điều buồn vui

Trong đêm dài thanh vắng

Tôi nợ em…

Tiếng cười.


* *
*

Em nợ tôi…

Ánh mắt

Tôi nợ em …

Làn môi

Ngọt ngào và cay đắng

Trao cho nhau trong đời.


* *
*

Em nợ tôi nhiều thứ

Theo thời gian buông trôi

Những gì không thể nói

Tôi nợ em suốt đời .


* *
*

Ta nợ nhau nhiều lắm

Chẳng thể trả nỗi đâu

Thôi thì đành chôn kín

Trong trái tim không lời.

Nợ nhau..

Ta nợ nhau ..

Em ơi!

LỜI CỦA TRẺ THƠ



Con là máu của mẹ


Con là thịt của cha


Máu thịt cùng chan hòa


Thành thiên thần bé nhỏ?



Con hiền như cây cỏ 


Con thơm như loài hoa


Sao mẹ lại đành bỏ 


Sao cha lại nỡ xa ?



Sáng ra , con mong mẹ 


Khuya về , Con chờ cha!


Mẹ cha  ơi ! có thấu 

Con mong có mẹ cha !







MỘT THOÁNG CHO EM...


Trưa hôm nay... 

Như mọi trưa ...


Anh biết..


Có một người da diết nhớ thương anh

 Thuyền đã qua nhưng hãy cứ chòng chành

Bởi sóng vẫn cứ ôm thuyền ghì lại. 




Trưa hôm nay.... 

Như mọi trưa... 


Anh thấy...


Có một người ngồi mãi đợi chờ ai


Dõi mắt theo hun hút chặng đường dài 


Tìm bóng cũ dần trôi về kí ức 



Trưa hôm nay ...


Như mọi trưa ... 


Em thức...


Để đợi chờ một hiện thực trong mơ 


Như khát khao con sóng sẽ vào bờ


Gió đẩy ngược không bao giờ trở lại ...



Trưa hôm nay...


Như mọi trưa ...


Thế đấy 


Chỉ còn em ...


Còn lại mỗi mình em 


Trong bão dông mơ một thoáng êm đềm ...